Cùng nhau nâng cấpPhong trào quỹ tín dụng Desjardins-Canada và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ tư, 27/06/2018, 08:42 GMT+7

Phong trào quỹ tín dụng Desjardins-Canada và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Phần thứ nhất

TÓM LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA PHONG TRÀO QUỸ TÍN DỤNG DESJARDINS

  1. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG DESJARDINS

    Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đời sống người dân Québec, nhất là ở các vùng nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng mất mùa liên tục và khủng hoảng kinh tế đẩy người dân lâm vào cảnh nghèo đói, thất nghiệp tràn lan. Do các ngân hàng hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn và phục vụ cho các thương nhân nên người dân ở các vùng nông thôn hầu như không có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, nạn cho vay nặng lãi trở nên phổ biến khiến cuộc sống người dân ngày càng khó khăn.

    Trung tâm thương mại, hội nghị, văn phòng, Montreal, Québec

    Thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với cuộc sống khó khăn của người nông dân, ông Alphonse Desjardins - một nhà báo đồng thời là một nghị sĩ, đã dày công tìm hiểu các mô hình hợp tác xã tín dụng ở các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý,... với mục đích xây dựng một loại hình tổ chức tín dụng mang tính tương trợ cộng đồng để giúp người dân phát triển sản xuất và cải thiện điều kiện sống. Kết quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Alphosne Desjardins đã dẫn đến việc Quỹ tín dụng đầu tiên ra đời vào ngày 06/12/1900 tại thị trấn Lévis (Québec, Canada) với 3 mục tiêu rất khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa là: (i) Giúp thành viên phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gửi tiết kiệm vay vốn phát triển sản xuất; (iii) Đề cao tinh thần hợp tác, tương trợ giữa Quỹ với các thành viên và giữa các thành viên với nhau.

     

  2. TÓM LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG DESJARDINS

     

Lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins, từ chỗ chỉ có một Quỹ tín dụng hoạt động khiêm tốn trong phạm vi một xứ đạo nhỏ nay đã phát triển thành một Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins lớn mạnh trong toàn bang Québec có thể được chia ra thành 7 giai đoạn như sau:

 

  1. Từ năm 1900- 1920: Kể từ khi Quỹ tín dụng đầu tiên ra đời đến khi ông Alphonse Desjardins mất vào năm 1920, đã có 160 Quỹ tín dụng được thành lập. Về phương diện pháp lý, Quỹ tín dụng Desjardins được công nhận bởi luật cấp bang vào năm 1906. Trong thời gian đó, hoạt động của các Quỹ tín dụng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết với nhau. Ý tưởng của ông Alphonse Desjardins là thành lập một Liên đoàn duy nhất cho tất cả các Quỹ tín dụng ở Québec. Tuy nhiên, ông đã qua đời khi chưa kịp thực hiện ý tưởng này;

     

     

  2. Từ năm 1921- 1932: Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Bắc Mỹ, nhiều Quỹ tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả do không thu hồi được nợ. Trong bối cảnh đó, các Quỹ tín dụng đã thành lập Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins (cấp khu vực) đầu tiên vào năm 1921 nhằm thực hiện điều hoà vốn khả dụng, tăng cường tính liên kết và sự hợp tác tương trợ giữa các Quỹ tín dụng trong khu vực với nhau. Tiếp sau đó, các Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins cấp khu vực khác lần lượt ra đời;

     

     

  3. Từ năm 1933- 1950: Năm 1933, khủng hoảng thị trường chứng khoán ở Mỹ đã làm cho nền kinh tế Bắc Mỹ suy sụp và làm cho hoạt động của các Liên đoàn cũng như của các Quỹ tín dụng Desjardins gặp rất nhiền khó khăn. Vì vậy, các Liên đoàn khu vực đã cùng nhau thành lập Tổng liên đoàn để thực hiện điều hoà vốn khả dụng và phối hợp hoạt động chung của các Liên đoàn khu vực cũng như toàn hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins. Kể từ đó, tính hệ thống đã mang lại sức mạnh cho các Quỹ tín dụng Desjardins vượt qua các thử thách, tạo được niềm tin và không ngừng lớn mạnh;

     

     

  4. Từ năm 1951- 1980: Đây là thời kỳ mà hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins được phát triển và mở rộng mạnh mẽ nhất. Năm 1979, Quỹ Trung ương Desjardins được thành lập với tư cách là một tổ chức tài chính trung tâm hỗ trợ cho Tổng liên đoàn làm tốt chức năng điều hoà vốn khả dụng, tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường trong nước và quốc tế để phục vụ cho toàn hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins; cho vay đối với các khách hàng và doanh nghiệp lớn (mà các Quỹ tín dụng cơ sở không đủ khả năng phục vụ); đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện cho hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins tham gia vào Hiệp hội thanh toán Canada nhằm mục tiêu kết nối hoạt động của hệ thống này với hệ thống ngân hang thương mại Canada;

     

     

  5. Từ 1981- 1990: Vào thời gian này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh ở Québec và trở thành đối tượng khách hàng của Hệ thống Quỹ Desjardins. Bên cạnh đó, Phong trào Desjardins (thông qua hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Desjardins) mở rộng mối quan hệ hợp tác, chuyển giao kỹ thuật tới nhiều nước trên thế giới;

     

     

  6. Từ năm 1991- 1999: Cũng như các ngân hàng thương mại, hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins ngày càng phải đương đầu với cuộc cạnh tranh khốc liệt. Hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins đã không ngừng phát triển và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường thông qua công cuộc hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ. Chính hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins là tổ chức tài chính tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng ở Québec.

     

     

  7. Từ năm 2000- nay: Trong những năm đầu thế kỷ 21, hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins phải đương đầu với nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt là cuộc cạnh tranh giữa hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins với các ngân hàng thương mại ngày càng gay gắt. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins đã thực hiện việc tái cơ cấu tổ chức bằng việc chuyển từ mô hình 3 cấp (gồm các Quỹ cơ sở, các Liên đoàn khu vực và Tổng liên đoàn) thành mô hình 2 cấp (gồm các Quỹ cơ sở và một Liên đoàn) thông qua việc sát nhập các Liên đoàn khu vực vào Tổng liên đoàn để trở thành một Liên đoàn duy nhất; đồng thời giảm đáng kể số lượng Quỹ cơ sở thông qua việc hợp nhất các Quỹ cơ sở liền kề để tăng quy mô hoạt động.

     

Về phương diện cung cấp sản phẩm , dịch vụ, có thể chia quá trình phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins thành 4 giai đoạn như sau:

 

  • Từ năm 1900- 1944: Cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và tín dụng cơ bản;

     

     

  • Từ năm 1944- 1963: Bổ sung các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiêmt tai nạn;

     

     

  • Từ năm 1963- 1975: Bổ sung các dịch vụ uỷ thác, quỹ tương hỗ, tín dụng nông nghiệp, đầu tư và hoạt động ‘‘liên quỹ’’;

     

     

  • Từ năm 1975- nay: Phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tự động (thẻ rút tiền tự động ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng), chứng khoán, giao dịch qua internet, dịch vụ tư vấn, kinh doanh quốc tế. Có thể nói cho đến nay hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins đã cung cấp đầy đủ tất cả các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng và thành viên của mình.

     

 

Phần thứ hai

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHONG TRÀO QUỸ TÍN DỤNG DESJARDINS

 

  1. CƠ CẤU TỔNG THỂ

     

Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins bao gồm: 594 Quỹ cơ sở1 với 5.351.547 thành viên (trên tổng số khoảng 7,5 triệu người dân ở bang Québec); Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins, các tổ chức trực thuộc Liên đoàn (Quỹ Trung ương, Quỹ An toàn, Cơ quan lịch sử, Cơ quan Phát triển Quốc tế, Quỹ tín thác, Quỹ đầu tư) và một mạng lưới gồm các doanh nghiệp như Công ty đầu tư, Công ty dịch vụ, Công ty tài chính, Công ty kinh doanh bất động sản, Công ty bảo hiểm nhân thọ, Công ty chứng khoán, Công ty quản lý tài sản,...

1 Chỉ tính riêng tại Québec và Ontario (Số liệu tính đến ngày 15/11/2004)

Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins được phân thành hai hệ thống riêng biệt gồm:

  1.  

    1. Hệ thống hợp tác: Gồm các Quỹ tín dụng, Liên đoàn, Quỹ Trung ương, Quỹ An toàn, Cơ quan lịch sử, Cơ quan Phát triển Quốc tế, Quỹ tín thác, Quỹ đầu tư. Các tổ chức này chủ yếu hoạt động mang tính chất hợp tác, tương trợ và đề cao tôn chỉ, mục đích của một hệ thống hợp tác xã.

       

       

    2. Hệ thống doanh nghiệp: Gồm các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận đơn thuần. Việc thành lập nên các doanh nghiệp này nhằm mục đích tăng cường năng lực tài chính và hiệu quả cạnh tranh của hệ thống hợp tác. Các Quỹ tín dụng Desjardins vừa là chủ sở hữu đồng thời là khách hàng của các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp của phong trào Desjardins chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt về bảo hiểm, chứng khoán, tín thác, bất động sản, đầu tư,... Cũng như hệ thống hợp tác, hệ thống doanh nghiệp cũng được đặt dưới sự kiểm soát của Liên đoàn.

       

 

  1. VỀ CƠ CẦU CỦA HỆ THỐNG HỢP TÁC

     

Với mục đích nghiên cứu phục vụ cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống QTDND Việt Nam trong thời gian tới, Đoàn khảo sát đã tập trung tìm hiểu các nội dung liên quan đến các bộ phận chủ yếu cầu thành hệ thống hợp tác của Phong trào Desjardins, đặc biệt là các Quỹ cơ sở, Quỹ Trung ương, Liên đoàn, Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính, Quỹ An toàn và Trung tâm đào tạo.

 

  1. Quỹ cơ sở (Caisse locale):

     

    Hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins có hai loại Quỹ cơ sở, đó là Quỹ nhân dân (Caisse Populaire) và Quỹ kinh tế hay còn gọi là Quỹ nhóm (Caisse d’Économie hay Caisse de Groupe). Về cơ bản, hai loại Quỹ này đều tuân theo các nguyên tắc tổ chức và hoạt động giống nhau. Tuy nhiên, sự khác nhau thể hiện ở chỗ: Quỹ nhân dân được thành lập và hoạt động theo địa giới hành chính (làng xã, xứ đạo, thị trấn,...), còn Quỹ kinh tế được thành lập bởi những người có cùng nghề nghiệp và phạm vi hoạt động thường giới hạn trong một tổ chức như trường học, bệnh viện,... (vì vậy có thể hiểu Quỹ kinh tế là loại hình Quỹ ngành nghề như QTDND được thành lập trong doanh nghiệp ở Việt Nam). Cả hai loại Quỹ này đều hoạt động theo Luật về Quỹ tiết kiệm và tín dụng của bang Québec.

    Quỹ Tín dụng Desjardins là một pháp nhân được tổ chức theo các nguyên tắc hợp tác xã, được hạch toán độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả tài chính của mình. Thành viên của Quỹ tín dụng Desjardins gồm các thể nhân và pháp nhân tự nguyện tham gia, đóng góp cổ phần xác lập. Từ khi Quỹ tín dụng Desjardins đầu tiên ra đời đến nay, mệnh giá của cổ phần xác lập luôn giữ nguyên giá trị là 5 CAD (tương đương 60.000 VND) nhằm đảm bảo tính lịch sự của Phong trào Desjardins. Các thành viên có thể góp cổ phần thường xuyên với mệnh giá thông thường là 10 CAD. Quỹ tín dụng Desjardins có khả năng cung cấp cho khách hàng hầu hết các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, ngân hàng (nhận tiền gửi, cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thanh toán, các loại hình bảo hiểm, quản lý tài sản, lập kế hoạch ngân sách, tư vấn tài chính,...).

    Các Quỹ tín dụng Desjardins đã đạt đến trình độ phát triển rất cao với quy mô hoạt động và trang thiết bị hiện đại không hề thua kém các ngân hàng thương mại. Các thành viên có thể thực hiện các giao dịch với Quỹ tín dụng Desjardins thông qua mạng internet 24/24 giờ.

    Về quy mô hoạt động, tài sản có bình quân đạt 125 triệu đô- la Canada/Quỹ; số Quỹ có tài sản có ít hơn hoặc bằng 50 triệu đô- la chiếm 27%, số Quỹ có tài sản có trên 200 triệu đô- la chiếm 19% tổng số Quỹ Desjardins. Mục tiêu hướng tới sẽ không còn Quỹ nào có tài sản có dưới mức 50 triệu đô- la.

     

  2. Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins (Fédération):

     

Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins là tổ chức đầu mối của Phong trào Desjardins, có chức năng đại diện quyền lợi, xây dựng định hướng chiến lược, lập kế hoạch hoạt động, quy định các chuẩn mực chung, điều hoà vốn khả dụng cho các Quỹ cơ sở, điều phối và giám sát toàn bộ hoạt động của Phong trào Desjardins.

2.1- Về tổ chức:

2.1.1- Về cơ cấu dân chủ:

a) Đại hội thành viên khu vực: Địa bàn hoạt động của các Quỹ Desjardins ở Québec và Ontario được chia thành 17 khu vực. Sự phân chia này nhằm đảm bảo cho các Quỹ tín dụng được tham gia một cách hài hoà và dân chủ vào quy trình ra quyết định của Liên đoàn. Các Quỹ tín dụng trong khu vực bầu đại biểu đi dự đại hội thành viên khu vực theo phương thức: Quỹ có dưới 5.000 thành viên được bầu 1 đại biểu, từ 5.001- 10.000 thành viên được bầu 2 đại biểu, từ 10.001- 15.000 thành viên được bầu 3 đại biểu và trên 15.000 thành viên được bầu 4 đại biểu.

b) Hội đồng đại diện khu vực: Mỗi khu vực có một Hội đồng đại diện khu vực gồm 15 thành viên, trong đó gồm 10 người làm việc tự nguyện không hưởng lương2 và 5 Tổng giám đốc Quỹ Tín dụng do Đại hội thành viên khu vực bầu ra. Chủ tịch hội đồng đại diện khu vực đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của Liên đoàn. Hội đồng đại diện khu vực chịu trách nhiệm về các vấn đề về ké hoạch kinh doanh, chiến lược hoạt động, đáp ứng các yêu cầu của thành viên trong quá trình hoạt động, đại diện cho cộng đồng của các Quỹ tín dụng trong khu vực trong mối quan hệ với Liên đoàn và các cơ quan hữu quan. Ngoài ra, Hội đồng đại diện khu vực còn tham gia vào quá trình xây dựng các mục tiêu chung của hệ thống;

2 Những người làm việc tự nguyện không hưởng lương bao gồm các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng giám sát và đạo đức nghề nghiệp của các Quỹ tín dụng.

c) Đại hội đại biểu cấp Liên đoàn: Có 256 đại biểu gồm 255 thành viên của 17 hội đồng đại diện khu vực và Chủ tịch Liên đoàn (đồng thời là Chủ tịch Phong trào Desjardins). Đại hội đại biểu cấp Liên đoàn bầu ra Chủ tịch Phong trào và 4 Giám đốc Quỹ Tín dụng cơ sở tham gia vào thành viên Hội đồng quản trị của Liên đoàn. Đại hội đại biểu cấp Liên đoàn có nhiệm vụ chủ yếu là thông qua các quy định chung của Liên đoàn;

d) Đại hội Liên đoàn: Gồm khoảng 1.400 đại biểu của tất cả các Quỹ tín dụng Desjardins được bầu theo tỷ lệ quy định như đã nêu tại Đại hội thành viên khu vực (từ 1- 4 đại biểu/Quỹ). Tham dự Đại hội Liên đoàn còn có các thành viên của Hội đồng đại diện khu vực và thành viên của Hội đồng quản trị Liên đoàn. Nhiệm vụ chủ yếu của Đại hội Liên đoàn là quyết định về các định hướng chiến lược, sứ mệnh và các dự án lớn của Phong trào Desjardins.

e) Hội đồng quản trị Liên đoàn: Có 22 thành viên gồm 17 Chủ tịch Hội đồng đại diện khu vực, 4 Giám đốc Quỹ tín dụng cơ sở do Đại hội Liên đoàn bầu ra và Chủ tịch Liên đoàn. Hội đồng quản trị Liên đoàn chịu trách nhiệm quản lý, xây dựng định hướng, lập kế hoạch, điều phối và giám sát các hoạt động của Phong trào Desjardins.

Ngoài các cơ cấu dân chủ nói trên, để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các loại hình tổ chức tín dụng, Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins còn tổ chức ra các khoá học định hướng (được tổ chức từ 3- 5 năm một lần) để thảo luận về các vấn đề mang tính định hướng quan trọng của Phong trào Desjardins. Khoá học định hướng gồm khoảng 1.400 đại biểu của các Quỹ tín dụng Desjardins (mỗi Quỹ tín dụng cử từ 1- 4 đại biểu), các thành viên của các Hội đồng đại diện khu vực và thành viên Hội đồng quản trị của Liên đoàn (thành phần tham dự khoá học định hướng tương tự thành phần của Đại hội Liên đoàn).

2.1.2- Về cơ cấu điều hành:

 

  • Chủ tịch Liên đoàn đồng thời là người đứng đầu bộ máy điều hành của Liên đoàn. Cơ cấu bộ máy điều hành của Liên đoàn gồm các bộ phận ở Hội sở chính và 19 Văn phòng khu vực.

     

     

  • Hội sở chính của Liên đoàn gồm nhiều bộ phận nghiệp vụ chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực hoạt động cụ thể như: Văn phòng Tổng thư ký;Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính; Ban kiểm toán nội bộ; Ban Kế hoạch chiến lược, phát triển hợp tác xã và Hỗ trợ quản lý dự án; Ban đào tạo nhân lực; các tiều ban đặc trách về thị trường tiêu dùng, thị trường doanh nghiệp, quản lý đơn vị kinh doanh, tài chính- quản trị, quản lý rủi ro liên kết, vận hành và nhân lực, công nghệ thông tin,...

     

     

  • Văn phòng khu vực có chức năng cung cấp cho các Quỹ tín dụng các dịch vụ về marketing, quản lý rủi ro liên kết, công nghệ thông tin,... Cơ cấu tổ chức của Văn phòng khu vực gồm có các bộ phận nghiệp vụ chủ yếu như: tư vấn quản lý, kinh doanh với cá nhân, kinh doanh với doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hợp tác xã và thông tin tuyên truyền.

     

Tổng cộng có khoảng 4.900 cán bộ nhân viên làm việc tại Hội sở chính và các Văn phòng khu vực của Liên đoàn; trong khi đó toàn Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins hiện có khoảng 36.000 cán bộ, nhân viên làm việc.

2.2- Về hoạt động:

2.2.1- Nguyên tắc hoạt động:

Liên đoàn hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản sau: (i) các thành viên tự do và tự nguyện gia nhập Liên đoàn; (ii) đưa các nguồn lực vào sử dụng chung để thực hiện các dự án tập thể; (iii) hoạt động một cách dân chủ, do các thành viên kiểm soát và được quản lý một cách minh bạch; (iv) đoàn kết nội bộ hệ thống trong việc xây dựng các định hướng và các hành động xuất phát từ các quyết định dân chủ hợp pháp; (v) công bằng trong việc chia sẻ các chi phí, lợi ích và kết quả hoạt động; (vi) thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lẫn nhau để phát triển các hoạt động kinh doanh, qua đó góp phần phát triển các Quỹ tín dụng thành viên cũng như toàn hệ thống; (vii) truyền bá cơ chế hoạt động cơ bản, nhất là về việc chia sẻ kiến thức và thông tin; (viii) bảo đảm quyền bình đẳng cơ bản giữa con người về mặt pháp lý và nhân cách; (ix) con người được coi trọng hơn tư bản; (x) không bóc lột lẫn nhau; (xi) đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân; (xii) trung lập về chính trị.

2.2.2- Chức năng:

Liên đoàn thực hiện các chức năng chủ yếu như: (i) đảm nhận vai trò lãnh đạo duy nhất trong hệ thống và tạo thuận lợi cho mối liên kết giữa tư duy và hành động; (ii) định hướng, thúc đẩy, điều phối (kể cả việc điều hoà vốn khả dụng) và giám sát hoạt động của các thành viên; (iii) tác động về mặt pháp luật một cách thoả đáng vì quyền lợi của hệ thống; (iv) điều phối các hoạt động can thiệp về mặt tài chính mà hệ thống phải thực hiện theo quy định của pháp luật, các quy chế và các chuẩn mực; (v) phát huy, truyền bá học thuyết hợp tác xã và các áp dụng đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; (vi) đảm bảo việc duy trì, phát huy bản chất và tính mục đích, nguyên tắc hợp tác xã của hệ thống; (vii) hợp tác vì sự tiến bộ của phong trào hợp tác xã; (viii) thực thi các quyền và nghĩa vụ khác theo sự uỷ thác của các Quỹ tín dụng và được Hội đồng quản trị thông qua vì mục đích hiệu quả và tiết giảm chi phí.

2.2.3- Nhiệm vụ:

Liên đoàn có các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

  1.  

    1. Các nhiệm vụ của tổ chức đại diện: Xây dựng các định hướng cho cả hệ thống: các dự án của các Quỹ thành viên có liên quan đến định hướng chính sách của hệ thống và có ảnh hưởng đến hình tượng của hệ thống đều phải được Liên đoàn thông qua; là người phát ngôn chính thức của hệ thống về các vấn đề liên quan đến quyền lợi chung của hệ thống. Với danh nghĩa đó, Liên đoàn chịu trách nhiệm đại diện cho hệ thống trong các mối quan hệ ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; thực hiện các chức năng đại diện trước các cơ quan của Chính phủ về các vấn đề luật lệ liên quan đến hệ thống với sự phối hợp của các bên liên quan; xem xét các vấn đề về quảng bá, thúc đẩy phát triển thể chế, việc sử dụng biểu tượng và danh nghĩa của các tổ chức cấu thành hệ thống; điều phối việc quảng cáo và đưa các dịch vụ của Quỹ thành viên ra thị trường; xác định và thực hiện các mối quan hệ đối tác nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống phát triển và tối ưu hoá hiệu quả hoạt động với sự phối hợp của các Quỹ thành viên.

       

       

    2. Các nhiệm vụ tổ chức thể chế: Xây dựng các quy tắc đại diện cho Hội đồng quản trị của các Văn phòng khu vực; xây dựng quy chế mẫu cho các Quỹ thành viên với sự tham khảo ý kiến của các Hội đồng đại diện; xác định các chính sách và các nguyên tắc chỉ đạo làm cơ sở cho việc xây dựng các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cho Liên đoàn và các Quỹ thành viên.

       

       

    3. Các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ: Thiết kế và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực tiết kiệm, tín dụng và các dịch vụ tài chính khác vì lợi ích của các Quỹ thành viên; cung cấp cho các Quỹ thành viên các dịch vụ về quản lý, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và nghiệp vụ; hỗ trợ các Quỹ thành viên trong các lĩnh vực giáo dục hợp tác xã; điều phối việc đưa các sản phẩm và dịch vụ mới của hệ thống ra thị trường; xây dựng kế hoạch phát triển tin học; xây dựng và kiểm tra việc tuân thủ các chuẩn mực và chính sách về an toàn của các trung tâm tin học, các hệ thống thông tin và các chương trình phần mềm, về tính toàn vẹn và bí mật của các dữ liệu của thành viên được lưu giữ lại Trung tâm tin học và lưu hành trong hệ thống.

       

 

  1. Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính Desjardins (BSSF):

     

Theo quy định cuả Luật các Quỹ Tiết kiệm và Tín dụng Québec, Tổng thanh tra các định chế tài chính (trực thuộc Bộ Tài chính) là người chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins. Tuy nhiên, nhiệm vụ này được thực hiện thông qua việc uỷ quyền cho Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán đối với các Quỹ cơ sở trong hệ thống. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính của Liên đoàn. Liên đoàn có trách nhiệm định kỳ báo cáo các kết quả thanh tra, kiểm toán của mình cho Tổng thanh tra các định chế tài chính. Tuy nhiên, khi cần thiết, Tổng thanh tra các định chế tài chính có thể chỉ định một cơ quan kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán hoặc cho thực hiện trực tiếp thanh tra tại chỗ đối với các thành viên của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins (chi phí do tổ chức chịu sự kiểm toán hoặc thanh tra đảm nhiệm).

BSSF là một cơ cấu tổ chức trực thuộc Liên đoàn nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập. Người đứng đầu BSSF là Tổng thanh tra và Kiểm soát. Tổng số cán bộ, nhân viên làm việc tại BSSF gồm có 219 người. BSSF được chia ra làm 2 bộ phận chính: Bộ phận Kiểm toán và Bộ phận Thanh tra với các chức năng chủ yếu như sau:

 

  • Bộ phận Kiểm toán có nhiệm vụ thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính theo các chuẩn mực quy định chung và cung cấp các mẫu biểu kê khai thuế cho các Quỹ tín dụng; đánh giá sự tuân thủ các thông lệ tài chính và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Việc kiểm toán Quỹ cơ sở do BSSF thực hiện hàng năm. Trên cơ sở xem xét các báo cáo tài chính, kiểm toán viên sẽ đưa ra các ý kiến đánh giá của mình về độ chính xác, tính trung thực của các báo cáo tài chính và các nhận xét của mình.

     

     

  • Bộ phận thanh tra có nhiệm vụ bảo vệ các khoản tiền gửi của thành viên thông qua việc đánh giá sự tuân thủ các quy định của pháp luật, các thông lệ quản lý và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc quản lý Quỹ tín dụng. Theo quy định của pháp luật, việc thanh tra Quỹ cơ sở được thực hiện ít nhất 18 tháng/1 lần. Tuy nhiên, số lần thanh tra tại chỗ đối với các Quỹ thành viên phụ thuộc vào kết quả giám sát từ xa (thông qua mạng vi tính). Ngoài các cuộc thanh tra định kỳ, BSSF có thể thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất. Báo cáo thanh tra Quỹ cơ sở được gửi cho Tổng Thanh tra các định chế tài chính, Liên đoàn, Quỹ An toàn và Quỹ tín dụng được thanh tra. Hàng năm, BSSF căn cứ vào các chuẩn mực để phân loại Quỹ cơ sở theo mức độ rủi ro, năng lực tài chính, quản lý tín dụng,...

     

Ngoài ra, BSSF có trách nhiệm nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các Quy chế, cơ chế và các chuẩn mực áp dụng cho toàn bộ hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins. Khi các Quy chế, cơ chế và các chuẩn mực này được thông qua thì BSSF có nhiệm vụ xem xét, đánh giá việc thực hiện chúng thông qua hoạt động giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ và kiểm toán các báo cáo tài chính.

 

  1. Quỹ Trung ương Desjardins (Caisse Centrale):

     

    Vào những năm cuối của thập kỷ 70, nền kinh tế Canada phát triển mạnh, nhu cầu về tín dụng tăng cao nên nguồn vốn trong nước không đáp ứng được. Bên cạnh đó, hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins cũng mở rộng các hoạt động kinh doanh đối ngoại nhằm thoả mãn các nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh đó, Quỹ Trung ương được thành lập vào năm 1979 để thực hiện vai trò khai thác các nguồn vốn trên thị trường nội địa và quốc tế cũng như đầu tư ra các thị trường này khi hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins có nguồn vốn nhàn rỗi.

    Quỹ Trung ương là tổ chức tài chính của Phong trào Desjardins có các nhiệm vụ chủ yếu như: làm đại diện cho Phong trào Desjardins tham gia vào Hiệp hội thanh toán Canada; tìm kiếm nguồn vốn cho hệ thống trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế; quản lý, đầu tư nguồn vốn khả dụng dư thừa cho các Quỹ tín dụng thông qua Liên đoàn; cung cấp các dịch vụ hối đoái và tài chính cho các đơn vị cấu thành Phong trào Desjardins (ưu tiên số một), các cơ quan của Chính phủ (như bệnh viện, trường học,...), các doanh nghiệp bán công, các doanh nghiệp vừa và lớn; hỗ trợ các CFE trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính và cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ;... Về nguyên tắc hoạt động, Quỹ Trung ương chủ yếu hoạt động các hoạt động mà từng Quỹ tín dụng Desjardins không đủ khả năng thực hiện một cách riêng rẽ.

    Nguồn vốn hoạt động chủ yếu của Quỹ Trung ương bao gồm nguồn vốn tự có, tiền gửi của các Quỹ tín dụng (thông qua việc cân đối, điều hoà của Liên đoàn), các nguồn vốn trong nước (bao gồm tiền gửi của các doanh nghiệp trong Phong trào Desjardins, Ngân hàng Canada, các tổ chức của Chính phủ, phát hành trái phiếu ngắn hạn và trung hạn...), các nguồn vốn trên thị trường quốc tế (Mỹ, châu Âu, các chứng khoán quốc tế,...)

    Quỹ Trung ương thực hiện cho vay đối với các Quỹ tín dụng (thông qua Liên đoàn), các doanh nghiệp trong Phong trào Desjardins, các doanh nghiệp vừa (hợp tác với các Quỹ tín dụng) và các doanh nghiệp lớn (cho vay trực tiếp hoặc hợp vốn với các Ngân hàng). Các doanh nghiệp lớn là khách hàng của Quỹ Trung ương chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực về sản xuất, dịch vụ, lâm sản, nông sản, công nghệ cao, truyền thông, thép, vận tải,... Ngoài ra, Quỹ Trung ương còn cho vay đối với các tổ chức, cơ quan của Chính phủ.

    Về quy mô hoạt động, tính đến ngày 31/12/2003, Quỹ Trung ương có tổng tài sản có là 13,4 tỷ CAD; tiền gửi huy động là 10,1 tỷ CAD; dư nợ cho vay là 8,1 tỷ CAD; thu nhập ròng đạt 39,8 triệu CAD.

    Về nguyên tắc, Quỹ Trung ương không quan hệ trực tiếp với các Quỹ cơ sở, mà thông qua Liên đoàn.

     

  2. Quỹ An toàn Desjardins (Fonds de séccurité Desjardins)

     

    Từ năm 1949, một số Liên đoàn khu vực đã lập ra Quỹ An toàn riêng cho các Quỹ tín dụng thành viên của mình. Nhưng phải đến năm 1980, Công ty Quỹ an toàn hệ thống mới chính thức được thành lập và hoạt động theo Luật về công ty quỹ an toàn được ban hành năm 1979 và Quy chế Tổng liên đoàn ban hành năm 1980. Ngày nay, Công ty Quỹ an toàn được gọi theo tên ban đầu là Quỹ An toàn Desjardins (FSD).

    SFD được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng và quản lý một Quỹ an toàn mang tính khả dụng và tương trợ vì lợi ích của các Quỹ thành viên; bảo đảm khả năng thanh toán của các Quỹ thành viên thông qua việc đóng vai trò quản lý hoặc tài trợ phần thâm hụt mà quỹ dự trữ chung của Quỹ tín dụng thành viên không thể bù đắp được; và cuối cùng là nhằm hỗ trợ việc thanh toán các khoản lỗ mà các thành viên của Quỹ cơ sở có thể phải gánh chịu khi Quỹ tín dụng đó bị thanh lý giải thể.

    Việc thành lập FSD đã mang lại những lợi ích to lớn và rất có ý nghĩa đối với Phong trào Desjardins; đó là: bảo vệ uy tín các Quỹ thành viên; làm tăng lòng tin của công chúng đối với các Quỹ thành viên; giữ gìn tính tự chủ và tự do hành động của Phong trào Desjardins; giải quyết được các khó khăn về tài chính cũng như một số vấn đề khác đối với các Quỹ thành viên; giảm nhẹ gánh nặng về thuế cho hệ thống. Đặc biệt, nhờ có FSD nên các Quỹ tín dụng Desjardins chỉ phải nộp 1/2 phí đóng góp (thông qua FSD) vào Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Québec.

    Nguồn vốn của FSD do các Quỹ cơ sở đóng góp theo các nguyên tắc đảm bảo sự công bằng giữa các Quỹ thành viên, kêu gọi sự đoàn kết của hệ thống và cách tính phí đơn giản, dễ áp dụng.

    Luật về công ty quỹ an toàn cho phép FSD được sử dụng nguồn vốn để đầu tư nhưng phải đảm bảo các mục đích an toàn (đầu tư thận trọng, chắc chắn), khả dụng (có thể đáp ứng kịp thời các như cầu về vốn) và hiệu quả (mang lại lợi nhuận).

    Sự can thiệp của FSD vào hoạt động của các Quỹ tín dụng chủ yếu gồm hai hình thức sau:

    (1) Can thiệp nhằm phòng ngừa: Để thực hiện hình thức can thiệp nhằm phòng ngừa, FSD thực hiện việc giám sát các Quỹ cơ sở thông qua Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính cảu Liên đoàn (BSSF). Báo cáo thanh tra các Quỹ cơ sở được gửi cho FSD. Hàng năm, Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính lập danh sách các Quỹ cơ sở cần giám sát đặc biệt trên cơ sở phân tích tình hình tài chính theo một số tiêu chí nhất định. Trên cơ sở đó, FSD yêu cầu Liên đoàn trợ giúp các Quỹ này xây dựng kế hoạch củng cố, chấn chỉnh. Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện kế hoạch củng cố, chấn chỉnh thông qua hoạt động giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ.

    Hàng năm, FSD trả tiền thù lao cho Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính theo hợp đồng dịch vụ.

    (2) Can thiệp nhằm khắc phục: Sau khi đã sử dụng hết quỹ dự trữ tại chỗ mà vẫn không bù đắp được thâm hụt tài chính, thua lỗ hoặc thiếu hụt vốn tự có dẫn đến không đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, Quỹ tín dụng có thể đề nghị FSD tài trợ, Quỹ tín dụng phải làm đơn xin tài trợ có xác nhận của Hội đồng quản trị và được Liên đoàn đồng ý, sau đó ký thoả thuận quản lý với Liên đoàn; xây dựng kế hoạch củng cố, chấn chỉnh; trình bày các dự kiến ngân sách; làm báo cáo về khả năng tồn tại của Quỹ và được sự tham gia ủng hộ của Liên đoàn.

    Việc tài trợ của FSD chỉ có thể thực hiện khi có đầy đủ hồ sơ và những tài liệu cần thiết như đơn xin tài trợ, các thoả thuận đã được ký kết giữa Quỹ tín dụng với Liên đoàn, các trích đoạn về nghị quyết xin tài trợ (của Quỹ tín dụng và Liên đoàn), cam kết của Liên đoàn về việc cùng tài trợ, kế hoạch củng cố, chấn chỉnh. Trên cơ sở các tài liệu này, Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính phân tích khả năng củng cố, chấn chỉnh của Quỹ và gửi báo cáo phân tích cho FSD.

    Khoản vốn tài trợ của FSD được Quỹ tín dụng hạch toán như một khoản thu nhập bất thường và được FSD hạch toán như một khoản chi phí.

    Sau khi FSD rót vốn tài trợ, Văn phòng Giám sát và An toàn Tài chính tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch củng cố, chấn chỉnh của Quỹ tín dụng và làm báo cáo gửi FSD theo định kỳ 6 tháng/1 lần. Trường hợp một Quỹ tín dụng không có khả năng củng cố, chấn chỉnh thì sẽ được FSD sát nhập vào một Quỹ tín dụng khác (trong thực tế quá trình tồn tại và phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins đã xảy ra trường hợp này) hoặc thanh lý (thực tế chưa xảy ra).

    Sau khi hoạt động trở lại bình thường, Quỹ tín dụng có nghĩa vụ trả lại khoản tài trợ đã nhận của FSD. Nếu Quỹ cơ sở bị thanh lý thì phải hoàn trả lại tối đa 100% số tiền đã nhận được của FSD từ các khoản tiền thu hồi được trong quá trình thanh lý.

    Có một điều đặc biệt cần lưu ý là cơ cấu nhân sự làm việc thường trực tại FSD rất gọn nhẹ, chỉ có 3 người gồm Tổng giám đốc, Giám đốc Quản trị và Thư ký. Các hoạt động nghiệp vụ (như quản lý và đầu tư vốn, bảo quản chứng khoán, ngân quỹ, kế toán, thuế, luật, tài chính, giải ngân cho vay hỗ trợ và giám sát các Quỹ tín dụng trong quá trình sử dụng vốn vay,...) của FSD đều được thực hiện thông qua các hợp đồng dịch vụ ký kết với Liên đoàn và các doanh nghiệp khác nhau trong hệ thống tuỳ theo từng lĩnh vực cụ thể.

     

  3. Trung tâm Tài chính Doanh nghiệp (CFE)

     

6.1- Bối cảnh ra đời:

So với các ngân hàng thương mại thì các Quỹ tín dụng Desjardins có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn lực phân tán, năng lực tài chính hạn chế và kỹ năng nghiệp vụ không đồng đều. Trong khi đó, việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các Quỹ tín dụng Desjardins. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các Quỹ tín dụng Desjardins khó có thể chiếm lĩnh thị trường cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các lý do nêu trên nếu không có các giải pháp phù hợp. Trong bối cảnh đó, nhằm tối đa hoá khả năng hợp tác kinh doanh giữa các Quỹ tín dụng Desjardins hoạt động trong cùng một khu vực, việc ra đời các CFE là một nhu cầu tất yếu. Mục đích hoạt động của các CFE là nhằm cải thiện hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực, khả năng kinh doanh- tiếp thị, quản lý rủi ro, khả năng sinh lời và tạo nên sự khác biệt cho hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác.

6.2- Khái niệm về CFE:

CFE là một hình thức hợp tác kinh doanh giữa các Quỹ tín dụng nhằm tiếp cận, phân đoạn thị trường, thực hiện việc tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. CFE hoạt động theo nguyên tắc thoả thuận hợp tác và được sự uỷ quyền của các Quỹ tín dụng thành viên. CFE có trụ sở giao dịch, có bộ máy tổ chức, nhân sự riêng nhưng lại không có tư cách pháp nhân (không có vốn tự có).

6.3- Mục tiêu hoạt động:

Hoạt động của CFE nhằm mục tiêu xây dựng mối quan hệ kinh doanh lâu dài, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng khả năng cạnh tranh và tính tự chủ về nguồn lực của các Quỹ tín dụng; đưa ra một giải pháp tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả với thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ; góp phần cải thiện lợi nhuận của các Quỹ tín dụng thông qua phương pháp quản lý rủi ro tín dụng hợp lý để giảm thiểu các khoản thất thoát; cải thiện hình ảnh và vị thế của các Quỹ tín dụng đối với các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

6.4- Cơ chế hoạt động:

 

  1. Biên bản thoả thuận hợp tác: Là một văn bản được các Quỹ tín dụng thành viên cùng ký kết, biên bản thoả thuận hợp tác quy định việc chia sẻ vai trò, trách nhiệm giữa các Quỹ tín dụng thành viên và các nguyên tắc hoạt động của CFE;

     

     

  2. Quản lý khách hàng: Sau khi được thành lập, các món " cho vay doanh nghiệp" của Quỹ tín dụng được ghi vào "Tài khoản doanh nghiệp vừa và nhỏ" của CFE. Hoạt động cho vay của CFE đối với doanh nghiệp vay vốn có thể nhân danh một Quỹ tín dụng hoặc một nhóm Quỹ tín dụng cùng phối hợp đồng tài trợ tuỳ theo quy mô của món vay và khả năng tài chính của các Quỹ tín dụng. Khi có một khách hàng mới, CFE phân cho một Quỹ tín dụng thành viên tham gia quản lý trên cơ sở căn cứ vào việc xác định trụ sở của khách hàng đóng trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng đó. Hàng năm, CFE xây dựng kế hoạch tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có giao dịch với CFE. Việc quản lý khách hàng có thể được phân chia theo khu vực hoạt động (thành thị- nông thôn) hoặc lĩnh vực hoạt động (kinh doanh thương mại, bất động sản, nông nghiệp,...)

     

     

  3. Quản lý nguồn nhân lực: Giám đốc điều hành và đội ngũ nhân viên của CFE thực hiện công việc nhân danh một hoặc nhiều Quỹ tín dụng. Về nhân sự, CFE có hai mô hình: (i) nhân sự của CFE cũng là nhân viên của các Quỹ tín dụng thành viên; (ii) nhân sự của CFE hoạt động theo pháp nhân của Quỹ tín dụng uỷ quyền.

     

     

  4. Tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch kinh doanh: CFE thực hiện việc tiếp thị, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của Quỹ tín dụng đến các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giám đốc CFE là người chịu trách nhiệm xây dựng, trình Ban điều hành (thành viên của Ban này là các giám đốc Quỹ tín dụng thành viên) thông qua và triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh hàng năm.

     

     

  5. Ngân sách hoạt động và chia sẻ chi phí: Hàng năm, CFE lên kế hoạch ngân sách hàng năm cho hoạt động của mình; trong đó tất cả các chi phí hoạt động (khoảng 80% là lương và phụ cấp) được phân bổ theo tỷ trọng dư nợ cho vay của các Quỹ tín dụng thành viên thông qua CFE.

     

 

  1. Trung tâm đào tạo cán bộ:

     

7.1- Về tổ chức:

Trong cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Quỹ tín dụng Desjardins có Ban Đào tạo với chức năng đảm bảo việc triển khai và tổ chức các chương trình tập huấn, hoàn thiện và nâng cao kiến thức cho hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins. Ban này có nhiệm vụ chủ yếu là hoạch định các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và quản lý 2 cơ sở đạo tạo của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins gồm Trung tâm Đào tạo miền Đông và Trung tâm Đào tạo miền Tây. Cơ cấu tổ chức của 2 Trung tâm rất gọn nhẹ: Trung tâm Đào tạo miền Đông có 29 nhân viên gồm: 3 nhân viên phụ trách tuyển sinh và tổ chức lớp học, 4 cán bộ quản lý chương trình, 2 kỹ thuật viên và 20 giảng viên; Trung tâm Đào tạo miền Tây có 40 nhân viên gồm: 3 nhân viên phụ trách tuyển sinh và tổ chức lớp học, 5 cán bộ quản lý chương trình, 2 kỹ thuật viên và 30 giảng viên. Ngoài ra, hai Trung tâm này còn có một đội ngũ cộng tác viên giảng dạy khoảng 25 người (là giảng viên, giáo sư ở các trường đại học hoặc chuyên gia về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Quỹ tín dụng) đến từ ngoài hệ thống.

7.2- Về đối tượng học viên:

Đối tượng học viên chủ yếu là cán bộ, nhân viên của các Quỹ tín dụng Desjardins, các CFE, bao gồm nhân viên giao dịch trực tiếp với thành viên, cán bộ quản lý và những người làm việc tại Hội sở chính và các Văn phòng khu vực của Liên đoàn. Các trung tâm này chỉ thực hiện các lớp đào tạo về các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các chức danh của học viên gắn liền với hoạt động nghiệp vụ và duy trì truyền thống, bản chất hợp tác xã của Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins. Việc đào tạo học đường do các trường công lập thực hiện.

7.3- Các hình thức đào tạo:

 

  • Đào tạo hoàn thiện kiến thức để học viên đảm nhiệm công việc hiện tại được thực hiện thông qua các hình thức đào tạo theo nhóm, theo lớp với thời gian rất ngắn (từ 1- 3 ngày), tự học tại lớp hoặc theo phương pháp huấn luyện thực tế.

     

     

  • Đào tạo tập huấn kiến thức cho những người được đề bạt vào một vị trí công việc mới được thực hiện theo một chương trình tập huấn qua các hình thức như: tự học, lên lớp hoặc huấn luyện thực tế.

     

     

  • Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các lớp tập huấn cho những nhân viên đến từ bên ngoài hệ thống Desjardins (ví dụ: những người vừa tốt nghiệp đại học).

     

7.4- Ngân sách đào tạo:

 

  • Ngân sách dành cho hoạt động tổ chức và triển khai các lớp đào tạo được phân bổ như sau: (i) 88% ngân sách được tài trợ theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ đào tạo phải trả tiền; (ii) 12% do các Quỹ tín dụng Desjardins và các CFE đóng góp;

     

     

  • Ngân sách dành cho việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo: 100% do các Quỹ tín dụng Desjardins và các CFE đóng góp.

     

Với cơ cấu tổ chức hoàn thiện như trên và quy mô hoạt động ngày càng phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp dân cư và lĩnh vực kinh tế ở bang Québec (một trong những bang có nền kinh tế phát triển nhất ở Canada), Phong trào Quỹ tín dụng Desjardins đã thực sự trở thành mô hình tập đoàn tổ chức tín dụng hợp tác có quy mô trong 5 tập đoàn tài chính lớn nhất Canada.

 

 

Phần thứ ba

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CÓ THỂ VẬN DỤNG

VÀO QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG QTDND VIỆT NAM

Qua việc nghiên cứu về mô hình tổ chức và một số cơ chế bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống Quỹ Desjardins, Québec- Canada, có thể rút ra một số kinh nghiệm vận dụng vào quá trình phát triển hệ thống QTDND ở Việt Nam, đó là:

  1.  

    1. Hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins luôn nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giữa các đơn vị cấu thành hệ thống. Bên cạnh đó, việc đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề tổ chức, hoạt động và các chiến lược phát triển của hệ thống được thực hiện một cách dân chủ và minh bạch. Để làm được điều đó, Hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins luôn đảm bảo phát huy tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức liên kết, phát triển hệ thống (đại diện quyền lợi, định hướng chiến lược, thanh tra- kiểm toán, quản lý Quỹ An toàn, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho các Quỹ tín dụng thành viên,...);

       

       

    2. Quỹ an toàn được xem là một trong những yếu tố quyết định đối với việc củng cố, chấn chỉnh các Quỹ tín dụng yếu kém. Khi gặp khó khăn về tài chính, Quỹ tín dụng được Quỹ an toàn hỗ trợ với điều kiện phải cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục, chấn chỉnh. Một trong những biện pháp thường được Quỹ an toàn áp dụng trong củng cố, chấn chỉnh Quỹ tín dụng yếu kém là thay đổi bộ máy nhân sự, điều hành. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận thanh tra- kiểm toán với Quỹ an toàn giúp cho quá trình hỗ trợ và theo dõi việc củng cố, chấn chỉnh của Quỹ tín dụng đạt hiệu quả cao. Nhờ có cơ chế phối hợp chặt chẽ như trên, cùng với việc Quỹ an toàn hoạt động rất hiệu quả kể từ khi có Quỹ an toàn đến nay, trong hệ thống chưa hề có Quỹ tín dụng Desjardins nào bị giải thể hoặc phá sản,

       

       

    3. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng dẫn đến thành công của Quỹ tín dụng Desjardins. Các Quỹ tín dụng Desjardins và bản thân cán bộ, nhân viên của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins luôn nêu cao ý thức học tập, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, hoạt động của Trung tâm đào tạo cán bộ đã thực sự đóng vai trò hạt nhân trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins; đồng thời không ngừng được nâng cao chất lượng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo cán bộ Quỹ tín dụng;

       

       

    4. Liên đoàn và Quỹ Trung ương Desjardins luôn phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt vai trò điều hòa vốn khả dụng, đảm bảo khả năng chi trả cho các Quỹ tín dụng cơ sở một cách nhanh nhạy, linh hoạt và đáp ứng tức thì nhu cầu vay vốn của các Quỹ tín dụng cơ sở. Bên cạnh đó, Quỹ Trung ương Desjardins luôn đảm bảo thực hiện tốt vai trò đầu mối tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ và tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường trong và ngoài nước để đảm bảo khả năng nguồn vốn cũng như quản lý, đầu tư có hiệu quả nguồn vốn khả dụng cho toàn hệ thống;

       

       

    5. Hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins luôn đặc biệt chú trọng đến vai trò của các thành viên Quỹ tín dụng vì thành viên là nền tảng, là nhân tố cơ bản để xây dựng nên hệ thống. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên, hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins luôn thể hiện tính ưu việt của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác và đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục, tuyên truyền cho các thành viên về bản chất, nguyên tắc hợp tác xã, lợi ích và ý nghĩa về mặt kinh tế- xã hội của Quỹ tín dụng;

       

       

    6. Tính liên kết hệ thống có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển mô hình tổ chức tín dụng hợp tác. Suốt trong quá trình hình thành và phát triển của mình, hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins luôn chú trọng phát huy khả năng liên kết hệ thống ở mức độ cao nhất. Tính liên kết hệ thống được thể hiện qua hai hình thức cơ bản gồm: (i) Liên kết thông qua một số nội dung hoạt động chủ yếu như: điều hòa vốn khả dụng; nâng cao hiệu quả đầu tư đối với những dự án lớn mà từng Quỹ tín dụng đơn lẻ khó thực hiện được (thông qua Trung tâm tài chính doanh nghiệp, hoặc cho vay hợp vốn); xây dựng và áp dụng các chuẩn mực, quy tắc, kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển thống nhất cho cả hệ thống; tư vấn về các vấn đề pháp lý và hoạt động nghiệp vụ; thiết lập hệ thống thanh toán, thông tin nội bộ; phối hợp thực hiện các chương trình hành động chung trong hệ thống; xây dựng bảng cân đối tổng hợp chung để có thể phân tích tình hình hoạt động của toàn hệ thống (điều này có ý nghĩa rất to lớn trong việc duy trì và phát triển tính liên kết của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins); (ii) Liên kết thông qua cơ cấu tổ chức: Mặc dù mỗi Quỹ tín dụng là một pháp nhân độc lập nhưng lại được liên kết hết sức chặt chẽ thông qua việc các Quỹ tín dụng cùng nhau thành lập nên tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như việc đề ra định hướng phát triển chung và kiểm tra giám sát toàn bộ hoạt động của từng thành viên và cả hệ thống (Liên đoàn);

      Hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins được điều chỉnh bởi Luật về Quỹ tín dụng và tiết kiệm của bang Québec. Luật này quy định hết sức chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng Desjardins; đồng thời đảm bảo tính tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm cao nhất của hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cho hệ thống này phát triển vững chắc.

    7.  

       

    8. Với mục tiêu ưu tiên phát triển khu vực kinh tế hợp tác trong lĩnh vực hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, Chính phủ bang Québec đã có những chính sách khá ưu ái đối với hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins, như: miễn thuế cho các Quỹ tín dụng Desjardins trong vòng 70 năm (từ năm 1900- 1970); uỷ quyền cho Liên đoàn thực hiện chức năng thanh tra- kiểm toán đối với các Quỹ tín dụng Desjardins; cho phép hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins giữ lại 1/2 phí bảo hiểm tiền gửi để lập Quỹ an toàn hệ thống; cho phép các Quỹ tín dụng Desjardins được làm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (trong khi đó, muốn được cung cấp dịch vụ này, các ngân hàng thương mại buộc phải thành lập thêm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập).
Ý kiến của bạn
Banner sidebar 1
Banner sidebar 2